Cookies là gì? Tại sao các website đều muốn bạn chấp nhận Cookies?

Growth Team

19 Thg 8, 2024
7 phút đọc

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao khi vào một trang web, thường có các popup hiện lên yêu cầu bạn đồng ý cho họ thu thập “Cookies”. Vậy Cookies là gì? Tại sao các trang web đều muốn bạn chấp nhận Cookies, thậm chí có những website còn không có lựa chọn “Từ chối” (Deny)? Và tại sao các trình duyệt hàng đầu như Chrome, Safari và Firefox dần loại bỏ Cookies? Rốt cuộc Cookies tốt hay xấu đối với khách truy cập website?

Cùng tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé!

Cookies là gì?

Cookies là những đoạn mã được lưu trữ trên thiết bị của bạn (điện thoại, máy tính…) khi bạn truy cập một trang web. Chúng giống như những “dấu vết” giúp trang web “nhớ” về bạn và các hoạt động của bạn trên trang đó.

Gọi là “Cookies” bởi vì: Trong lập trình, có một khái niệm gọi là “Magic Cookie”. Đó là một đoạn mã được sử dụng để xác thực hoặc xác nhận một điều gì đó. Khi các developer tạo những trang web đầu tiên, họ đã mượn ý tưởng này và gọi những đoạn thông tin nhỏ mà họ gửi đến trình duyệt của khách truy cập website là “Cookies”. Những “Cookies” này giúp website xác minh rằng bạn là ai và bạn đã đăng nhập chưa. Bạn có thể liên tưởng nó đến hình ảnh ăn bánh quy và vụn bánh vương vãi để lại dấu vết rằng bạn đã cắn miếng bánh quy này!

Hãy hình dung Cookies như một chiếc vé vào cửa. Khi bạn vào một cửa hàng, nhân viên sẽ đưa cho bạn một chiếc vé để họ biết bạn đã vào cửa hàng. Lần sau khi bạn quay lại, nhân viên sẽ kiểm tra vé để biết bạn là khách hàng quen. Cookies cũng hoạt động tương tự như vậy, giúp trang web nhận biết bạn và cung cấp cho bạn những trải nghiệm phù hợp. 

Như vậy, có thể thấy Cookies được tạo ra và sử dụng với mục đích tốt, nhằm tối ưu trải nghiệm trên website của người dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp hiểu hơn về những người truy cập trang web của họ, giúp họ có một cái nhìn đúng đắn hơn về khách hàng mục tiêu.

Vậy vấn đề sâu xa của Cookies là gì? Cùng đọc tiếp bên dưới nhé!

Cookies là gì? Cookies hoạt động như thế nào?
Ảnh: Mobio.io. Tham khảo từ nguồn: Ubiquedigitalsolutions.com

Cookies thường chứa những thông tin nào?

Thông tin mà Cookies có thể chứa khá đa dạng, tùy thuộc vào mục đích sử dụng của từng loại Cookies. Tuy nhiên, một số thông tin phổ biến thường được lưu trữ bao gồm:

  • Unique ID: Đây như một “căn cước” riêng biệt được gán cho mỗi thiết bị hoặc trình duyệt. Nhờ ID này, trang web có thể phân biệt bạn với các người dùng khác.
  • User settings: Bao gồm các tùy chọn mà bạn đã chọn trên trang web như:
    • Ngôn ngữ: Trang web sẽ tự động hiển thị bằng ngôn ngữ bạn đã chọn.
    • Vị trí: Trang web có thể hiển thị nội dung phù hợp với khu vực địa lý của bạn.
    • Font chữ: Bạn thích sử dụng font chữ nào.
  • Lịch sử duyệt web: Cookies ghi lại các trang web bạn đã truy cập, các tìm kiếm bạn đã thực hiện. Điều này giúp trang web hiển thị các quảng cáo phù hợp với sở thích của bạn.
  • Hành vi mua sắm: Nếu bạn đang mua sắm trực tuyến, Cookies sẽ ghi nhớ các sản phẩm bạn đã xem, các sản phẩm bạn đã thêm vào giỏ hàng, thậm chí cả quá trình thanh toán của bạn.
  • Thông tin đăng nhập: Cookies có thể lưu trữ thông tin đăng nhập của bạn để bạn không phải nhập lại mỗi lần truy cập.

Do đó, khi bạn nhấn “Đồng ý” (Accept) trên thông báo chấp nhận cookies, đồng nghĩa với việc bạn cho phép website thu thập tất cả (hoặc một vài) thông tin cá nhân của bạn. Hầu hết các thông báo chấp nhận cookies sẽ có thêm nút “Tùy chỉnh” (Preferences) để bạn có thể lựa chọn loại dữ liệu mà họ được phép thu thập. Một số website có thể có cả nút “Từ chối,” nhưng trường hợp này không nhiều. Dù muốn hay không, cookies vẫn là một yếu tố cần thiết để tối ưu trải nghiệm người dùng, và sẽ có những thông tin mặc định được thu thập.

Thực tế, khá ít người dùng thực sự chú tâm đến việc cài đặt cookies trên trang web và thường chỉ chọn phương án nhanh chóng nhất là nhấn nút “Đồng ý” hoặc “Từ chối” (nếu có).

Công dụng của Cookies trên trình duyệt

Cookies giúp cho trải nghiệm người dùng tốt hơn trên website. Một số chức năng chính của Cookies bao gồm:

  • Cá nhân hóa: Cookies giúp trang web nhớ các tùy chọn của bạn như ngôn ngữ, font chữ, hoặc các sản phẩm bạn đã xem để hiển thị những nội dung phù hợp nhất.
  • Xác thực: Cookies giúp bạn đăng nhập tự động vào các trang web, tiết kiệm thời gian cho bạn.
  • Theo dõi: Cookies thu thập thông tin về hành vi của bạn trên trang web, giúp các nhà quảng cáo và chủ sở hữu trang web hiểu rõ hơn về sở thích của bạn để đưa ra các quảng cáo phù hợp và cải thiện chất lượng dịch vụ.

VÍ DỤ:

Ví dụ 1: Mua sắm trực tuyến

  • Tình huống: Bạn đang xem một chiếc điện thoại trên một trang web bán hàng trực tuyến. Bạn thêm sản phẩm vào giỏ hàng nhưng chưa thanh toán ngay. Vài ngày sau, bạn quay lại trang web đó và thấy chiếc điện thoại bạn đã xem vẫn còn trong giỏ hàng.
  • Giải thích: Điều này xảy ra là nhờ Cookies. Cookies đã ghi nhớ hành động của bạn khi thêm sản phẩm vào giỏ hàng, giúp trang web hiển thị lại giỏ hàng của bạn khi bạn quay lại.

Ví dụ 2: Đăng nhập tự động

  • Tình huống: Bạn thường xuyên truy cập vào một trang mạng xã hội và không muốn phải nhập mật khẩu mỗi lần. Bạn đã chọn tùy chọn “Ghi nhớ mật khẩu”.
  • Giải thích: Khi bạn chọn “Ghi nhớ mật khẩu”, trang web sẽ tạo một Cookies để lưu thông tin đăng nhập của bạn. Lần sau khi bạn truy cập, trang web sẽ tự động đăng nhập cho bạn.

Ví dụ 3: Quảng cáo trực tuyến

  • Tình huống: Bạn đã tìm kiếm một chiếc máy ảnh trên Google. Sau đó, khi bạn truy cập vào các trang web khác, bạn thường xuyên thấy quảng cáo về máy ảnh.
  • Giải thích: Các trang web quảng cáo sử dụng Cookies để theo dõi hành vi tìm kiếm của bạn. Khi bạn tìm kiếm một sản phẩm nào đó, Cookies sẽ ghi lại thông tin này và các trang web khác sẽ hiển thị quảng cáo liên quan đến sản phẩm đó.

Ví dụ 4: Cá nhân hóa nội dung

  • Tình huống: Bạn truy cập vào một trang tin tức và thường xuyên đọc các bài viết về công nghệ. Sau một thời gian, bạn nhận thấy rằng trang tin tức đó thường hiển thị nhiều bài viết về công nghệ hơn so với các chủ đề khác.
  • Giải thích: Trang tin tức sử dụng Cookies để theo dõi sở thích của bạn. Nhờ đó, họ có thể cá nhân hóa nội dung hiển thị trên trang, giúp bạn dễ dàng tìm thấy những thông tin mình quan tâm.

So sánh các loại Cookies

Có nhiều loại Cookies khác nhau, nhưng chúng ta có thể chia chúng thành các loại chính sau:

Session Cookies và Persistent Cookies

Session Cookiess (Cookiess phiên):

  • Đặc điểm: Session Cookies chỉ tồn tại trong suốt thời gian bạn truy cập một trang web. Khi bạn đóng trình duyệt, Session Cookies sẽ bị xóa.
  • Mục đích: Session Cookies thường được sử dụng để lưu trữ thông tin tạm thời, ví dụ như các sản phẩm bạn đã thêm vào giỏ hàng.

Persistent Cookiess (Cookiess liên tục):

  • Đặc điểm: Persistent Cookiess tồn tại lâu hơn Session Cookies, có thể lưu nhiều ngày, nhiều tháng hoặc nhiều năm.
  • Mục đích: Persistent Cookiess được sử dụng để nhớ các cài đặt lâu dài của bạn, ví dụ như ngôn ngữ hoặc thông tin đăng nhập.
Cookies là gì? Tại sao các website đều muốn bạn chấp nhận Cookies?
Ảnh: Mobio.io. Tham khảo từ nguồn: Seersco.com

Cookies bên thứ nhất và bên thứ ba

Cookies bên thứ nhất: Là Cookies được tạo bởi trang web bạn đang truy cập.

Cookies bên thứ ba: Là Cookies được tạo bởi một trang web khác, thường là các trang web quảng cáo. Cookies bên thứ ba thường được sử dụng để theo dõi hành vi của bạn trên nhiều trang web khác nhau. (Xem ví dụ 3 ở bên trên)

Những ai sẽ nắm thông tin về Cookies của người dùng?

Thông tin về Cookies có thể được nắm giữ bởi nhiều đối tượng khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng và cách thức thu thập dữ liệu. Dưới đây là một số đối tượng thường có quyền truy cập vào thông tin Cookies:

  • Chủ sở hữu trang web: Đây là những người tạo ra và quản lý trang web mà bạn đang truy cập. Họ có thể sử dụng Cookies để cá nhân hoá trải nghiệm người dùng bằng cách ghi nhớ các cài đặt, sở thích của bạn, và phân tích website nhằm hiểu hành vi của người dùng để cải thiện trang web.
  • Nhà cung cấp dịch vụ phân tích web: Các công ty như Google Analytics, Facebook Pixel sử dụng Cookies để thu thập dữ liệu về hành vi của người dùng trên nhiều trang web khác nhau, sau đó cung cấp báo cáo chi tiết cho các chủ sở hữu trang web.
  • Mạng quảng cáo: Các mạng quảng cáo như Google Ads, Facebook Ads sử dụng Cookies để theo dõi hành vi của bạn trên nhiều trang web và hiển thị quảng cáo phù hợp.
  • Các bên thứ ba khác: Một số công ty khác cũng có thể truy cập vào thông tin Cookies của bạn, chẳng hạn như các công ty nghiên cứu thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật.

Tại sao các trình duyệt hiện nay lại loại bỏ Cookies?

Các “ông lớn” trong làng trình duyệt đang dần thay thế Cookies. 

Firefox đã tiên phong với tính năng Enhanced Tracking Protection (ETP), nhằm chặn đứng các hoạt động theo dõi người dùng. Safari cũng không hề kém cạnh với Intelligent Tracking Prevention (ITP) và chính sách iOS App Tracking Transparency (ATT), yêu cầu các nhà tiếp thị phải xin phép người dùng trước khi thu thập dữ liệu. Google Chrome, trình duyệt được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, cũng đã tuyên bố sẽ từ bỏ hoàn toàn Cookies bên thứ ba vào cuối năm 2024.

Cookies là gì? Tại sao các website đều muốn bạn chấp nhận Cookies?
Google dự kiến loại bỏ cookie vào năm 2025. Nguồn: Google

Dưới đây là một số lý do chính dẫn đến việc các trình duyệt dần thay thế Cookies:

  • Bảo vệ quyền riêng tư: Người dùng ngày càng ý thức hơn về việc dữ liệu cá nhân của họ được sử dụng như thế nào. Cookies, đặc biệt là Cookies bên thứ ba, thường được sử dụng để theo dõi hành vi của người dùng trên nhiều website khác nhau, tạo ra một hồ sơ chi tiết về sở thích và hành vi của họ. Điều này khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái và lo ngại về việc bị theo dõi quá mức.
  • Quảng cáo nhắm mục tiêu quá cụ thể: Việc sử dụng Cookies để hiển thị quảng cáo nhắm mục tiêu quá cụ thể có thể gây ra sự phiền hà cho người dùng. Khi người dùng liên tục nhìn thấy những quảng cáo liên quan đến những gì họ đã tìm kiếm, họ có thể cảm thấy bị làm phiền và không muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ đó.
  • Rò rỉ dữ liệu: Cookies có thể bị khai thác để đánh cắp dữ liệu cá nhân. Nhiều vụ việc rò rỉ dữ liệu lớn trong những năm gần đây đã làm gia tăng lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân.
  • Quy định pháp lý: Các quốc gia trên thế giới đang ngày càng siết chặt quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, như GDPR của EU và CCPA của California. Các quy định này đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân, bao gồm cả việc sử dụng Cookies.

Marketer sẽ làm sao trong một thế giới không có Cookies?

Việc các trình duyệt ngày càng hạn chế sử dụng Cookies bên thứ ba khiến nhiều nhà tiếp thị không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, họ đã quá quen thuộc với việc dựa vào những “cái bánh quy” này để điều hướng trải nghiệm duyệt web của khách hàng.

Tuy nhiên, sự biến mất của Cookies không đồng nghĩa với việc người dùng sẽ từ bỏ nhu cầu được quan tâm. Trên thực tế, họ vẫn mong muốn được các doanh nghiệp thấu hiểu và phục vụ một cách tốt nhất.

Chính điều này đã tạo ra một nghịch lý: người dùng vừa muốn trải nghiệm cá nhân hóa, vừa muốn bảo vệ quyền riêng tư của mình. Đây là một bài toán nan giải mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.

👉 Đọc thêm: Cookieless world và Nghịch lý Quyền riêng tư – Cá nhân hóa

Để đối phó với những thách thức này, các marketer cần tìm kiếm những giải pháp mới, sáng tạo và phù hợp với thực tế hiện tại. Một số hướng tiếp cận mới mà các nhà tiếp thị trên thế giới đang thực hiện có thể nói đến như:

1 – Tập trung vào first-party data

  • Xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng bằng cách thu thập thông tin trực tiếp từ khách hàng thông qua các form đăng ký, khảo sát, chương trình khách hàng thân thiết.
  • Sử dụng thông tin về các giao dịch trước đây, sản phẩm đã xem, hoặc các tương tác khác trên trang web để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng mà không cần lưu trữ cookies. Dữ liệu này được lưu trữ và phân tích trên máy chủ của bạn.
  • Sử dụng mã định danh duy nhất cho mỗi người dùng khi họ đăng nhập hoặc tương tác với trang web. Mã này không cần lưu trữ dưới dạng cookies mà có thể được lưu trên máy chủ và sử dụng để theo dõi hành vi người dùng trên các phiên khác nhau.
  • Thu thập dữ liệu từ các tương tác trực tiếp như chat trực tuyến, yêu cầu hỗ trợ, hoặc khảo sát mà người dùng tham gia. Những thông tin này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về nhu cầu và sở thích của người dùng.
  • Cá nhân hóa dựa trên first-party data bằng cách sử dụng dữ liệu này để tạo ra các trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa, như gợi ý sản phẩm dựa trên lịch sử mua hàng.
  • Sử dụng tích hợp API với các nền tảng khác mà không cần dựa vào cookies. Ví dụ, nếu bạn tích hợp với một nền tảng thanh toán hoặc CRM, bạn có thể thu thập và sử dụng dữ liệu từ các nền tảng này để hiểu rõ hơn về khách hàng.

2 – Sử dụng các công cụ đo lường mới

  • Google Analytics 4: Đưa ra những phân tích sâu sắc hơn về hành vi người dùng mà không phụ thuộc quá nhiều vào Cookies.
  • Server-side tracking: Theo dõi hành vi người dùng trực tiếp trên server thay vì dựa vào client-side.
  • Thay vì cookies, bạn có thể sử dụng Local Storage để lưu trữ dữ liệu trên trình duyệt người dùng. Local Storage cho phép lưu trữ dữ liệu mà không cần gửi đến máy chủ trong mỗi yêu cầu, giúp theo dõi hành vi người dùng ở mức độ nhất định.
  • Fingerprinting là kỹ thuật tạo ra một dấu vân tay kỹ thuật số độc nhất từ các đặc điểm của trình duyệt và thiết bị người dùng, như độ phân giải màn hình, phiên bản trình duyệt, hệ điều hành, v.v. Điều này có thể giúp theo dõi người dùng mà không cần cookies, nhưng cần lưu ý về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư.
  • Bạn có thể sử dụng các tham số URL để theo dõi người dùng qua các trang khác nhau trên trang web. Ví dụ: Thêm các tham số theo dõi vào đường dẫn URL, như UTM parameters, để phân tích nguồn lưu lượng và hành vi người dùng mà không cần lưu trữ dữ liệu trên trình duyệt.

👉 Đọc thêm: UTM là gì? Hướng dẫn toàn diện cho marketer để phân tích traffic trên website

3 – Tập trung vào trải nghiệm người dùng trên website

  • Tối ưu tốc độ tải trang, đảm bảo trang web tải nhanh, hình ảnh được nén gọn và mã nguồn tối ưu, giúp người dùng truy cập mượt mà và không gặp tình trạng gián đoạn.
  • Sử dụng thiết kế giao diện website đơn giản, dễ sử dụng với bố cục hợp lý và màu sắc hài hòa. Đảm bảo người dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin cần thiết.
  • Đảm bảo website của bạn dễ dàng truy cập đối với mọi đối tượng, kể cả người khuyết tật – đây là điều quan trọng nhưng lại ít nhà tiếp thị chú tâm đến. Sử dụng các tiêu chuẩn thiết kế web tiếp cận để giúp mọi người có thể sử dụng website dễ dàng.
  • Đảm bảo trang web hoạt động tốt trên mọi thiết bị, đặc biệt là điện thoại di động. Sử dụng thiết kế đáp ứng (responsive) để cải thiện trải nghiệm người dùng trên di động.
  • Sử dụng phương thức đăng nhập một lần (one-time password) hoặc liên kết tạm thời để giúp người dùng đăng nhập dễ dàng mà không cần lưu trữ cookies.

VÍ DỤ:

  • Thương mại điện tử:
    • Sử dụng các form đăng ký để thu thập thông tin về khách hàng, như ngày sinh, sở thích.
    • Tạo các chương trình khách hàng thân thiết để khuyến khích khách hàng đăng ký tài khoản.
    • Sử dụng các công cụ gợi ý sản phẩm dựa trên hành vi mua hàng trước đó của khách hàng.
  • Du lịch:
    • Sử dụng các công cụ đặt phòng trực tuyến để thu thập thông tin về hành trình của khách hàng.
    • Tạo các gói dịch vụ du lịch được cá nhân hóa dựa trên sở thích của khách hàng.

CDP liệu có phải là lời giải cho bài toán này?

Khi Cookies bên thứ ba dần bị loại bỏ, CDP trở thành một giải pháp “được nhắc tên ầm ầm” trong các diễn đàn MarTech để các doanh nghiệp quản lý và tận dụng dữ liệu khách hàng một cách hiệu quả. Vậy CDP là gì và tại sao nó lại trở thành một giải pháp thay thế hấp dẫn như vậy?

CDP là gì? CDP là một nền tảng tập trung vào việc thu thập, thống nhất và phân tích dữ liệu khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả online và offline. Dữ liệu này được lưu trữ trong một hồ dữ liệu khách hàng duy nhất, giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về hành vi và sở thích của khách hàng.

>> Đọc về CDP tại: Customer Data Platform – CDP là gì? Tại sao CDP trở thành lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay?

CDP không sử dụng Cookies để thu thập dữ liệu, mà thay vào đó sử dụng các phương pháp khác như tag, pixel, API. Tuy nhiên, dữ liệu mà CDP thu thập có thể cung cấp những thông tin tương tự như Cookies, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng và xây dựng những chiến dịch marketing hiệu quả hơn.

CDP thường được thiết kế để tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu, cho phép doanh nghiệp thu thập và sử dụng dữ liệu khách hàng một cách hợp pháp và minh bạch.

Một số ứng dụng nổi bật của CDP khi so sánh với các ứng dụng của Cookies:

1 – Xây dựng hồ sơ khách hàng 360 độ:

  • Thay thế Cookies trong việc theo dõi hành trình khách hàng: Thay vì dựa vào Cookies để theo dõi hành trình của khách hàng trên các website khác nhau, CDP sử dụng các ID khách hàng duy nhất để kết nối tất cả các tương tác của khách hàng với doanh nghiệp, từ website, ứng dụng di động đến cửa hàng offline. Điều này giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về hành vi và sở thích của khách hàng.
  • Cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm: Với hồ sơ khách hàng chi tiết, CDP cho phép doanh nghiệp tạo ra những trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa cao, như gợi ý sản phẩm phù hợp, ưu đãi đặc biệt, nội dung marketing được điều chỉnh theo sở thích của từng khách hàng.

2. Tối ưu hóa các chiến dịch marketing:

  • Phân khúc khách hàng chính xác: CDP giúp doanh nghiệp phân khúc khách hàng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, như hành vi mua hàng, sở thích, nhân khẩu học, giúp các chiến dịch marketing trở nên hiệu quả hơn.
  • Đo lường hiệu quả chiến dịch: Thay vì dựa vào Cookies để đo lường hiệu quả của các chiến dịch marketing, CDP sử dụng các chỉ số như ROI, tỷ lệ chuyển đổi, thời gian sống của khách hàng để đánh giá hiệu quả.

3 – Tối ưu hóa kênh tiếp thị: CDP giúp doanh nghiệp hiểu rõ kênh tiếp thị nào đang mang lại hiệu quả cao nhất, từ đó giúp doanh nghiệp phân bổ ngân sách hiệu quả hơn.

4 – Tăng cường lòng trung thành của khách hàng:

  • Chăm sóc khách hàng cá nhân hóa: Với CDP, doanh nghiệp có thể xây dựng các chương trình chăm sóc khách hàng cá nhân hóa, như chương trình khách hàng thân thiết, các sự kiện dành riêng cho khách hàng VIP.
  • Phát hiện khách hàng tiềm năng: CDP giúp doanh nghiệp xác định những khách hàng có khả năng mua hàng cao nhất, từ đó giúp doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động tiếp thị hiệu quả hơn.

5 – Tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trên nhiều kênh:

  • Kết nối trải nghiệm online và offline: CDP giúp doanh nghiệp kết nối dữ liệu từ các kênh online và offline, tạo ra trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.
  • Cá nhân hóa trải nghiệm trên các kênh khác nhau: CDP cho phép doanh nghiệp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng trên các kênh khác nhau, như website, ứng dụng di động, email, SMS.

Ví dụ cụ thể: Một cửa hàng thời trang sử dụng CDP để:

  • Theo dõi hành trình mua sắm của khách hàng từ khi họ xem sản phẩm trên website đến khi mua hàng tại cửa hàng.
  • Tạo ra các khuyến mãi cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua hàng và sở thích của khách hàng.
  • Xây dựng các chương trình khách hàng thân thiết với các ưu đãi đặc biệt.
  • Phân tích hành vi mua sắm của khách hàng để dự đoán xu hướng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Kết luận

CDP là một giải pháp đầy tiềm năng để giải quyết những thách thức đặt ra bởi việc loại bỏ Cookies. Bằng cách thu thập, thống nhất và phân tích dữ liệu khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau, CDP giúp doanh nghiệp xây dựng một bức tranh toàn diện về khách hàng, từ đó tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa, tối ưu hóa các chiến dịch marketing và tăng cường lòng trung thành của khách hàng. Tuy nhiên, việc triển khai CDP cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực đáng kể và đối mặt với một số thách thức nhất định.

Trong tương lai, việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng sẽ ngày càng được chú trọng. Các doanh nghiệp cần tìm kiếm những giải pháp cân bằng giữa việc thu thập dữ liệu để phục vụ mục tiêu kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. CDP là một trong những giải pháp hứa hẹn, nhưng nó không phải là giải pháp duy nhất. Việc lựa chọn giải pháp nào phù hợp sẽ phụ thuộc vào quy mô, ngành nghề và mục tiêu kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Contact us. Cookies là gì? Tại sao các website đều muốn bạn chấp nhận Cookies?

Ebook

Data intergration in banking service industry

CDP is the heart of our products. As a tech consulting company, we know that data is treasure to build customer journey and leading business decisions along the way.

Growth Team
Growth Team chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường và cập nhật các xu thế mới nhất để giúp doanh nghiệp phát triển và dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số.
Back to Top